Theo ông Nguyễn Phan Huy Khôi, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp Việt Nam, hoạt động khởi nghiệp của thanh niên cần gắn liền với tư duy về phát triển, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số (CĐS). Do đó, Trung tâm khuyến khích đoàn viên thanh niên cần CĐS ngay từ giai đoạn khởi nghiệp, bởi vì đây vừa là nhiệm vụ chính trị, cũng đồng thời là nhiệm vụ mũi nhọn trong hoạt động phong trào gắn liền với hiệu quả thực tiễn xã hội.

Phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ngày 26/3/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, thanh niên phải là những người xung phong đi đầu trong thực hiện chủ trương đẩy mạnh CĐS quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo (ĐMST); phải là những người đầu tiên, tích cực nhất trong hội nhập sâu rộng với thế giới.

Nhận thức được tầm quan trọng và vai trò của tổ chức đoàn trong công cuộc CĐS, trong thời gian vừa qua, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp đã tích cực ứng dụng CNTT trong tổ chức, triển khai chương trình hoạt động, nâng cao nhận thức và năng lực CĐS cho đoàn viên thanh niên.

Song song với đó, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cũng rất tích cực trong việc thúc đẩy thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST). Từ sau Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp năm 2018, nhiều chính sách đã được các bộ, ngành tiếp thu, điều chỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp. Bên cạnh đó, hàng loạt các chương trình của Chính phủ và các bộ, ngành thông qua các đề án quốc gia nhằm hỗ trợ thúc đẩy khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp ĐMST đã được triển khai.

Cùng với đó, Trung ương Đoàn ban hành Đề án “Thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2019 – 2022” nhằm kiến tạo môi trường, động lực mạnh mẽ để các lực lượng thanh niên Việt Nam khác nhau ra sức sáng tạo khởi nghiệp, chung tay đưa Việt Nam thật sự trở thành quốc gia khởi nghiệp. Các địa phương đã tích cực ban hành các quyết định, kế hoạch, chương trình hành động nhằm hỗ trợ khởi nghiệp nói chung và hỗ trợ các DN khởi nghiệp sáng tạo nói riêng.

Năm 2019 là năm đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam khi chứng kiến sự bùng nổ về số lượng các DN khởi nghiệp sáng tạo và các thương vụ đầu tư mạo hiểm.

Còn trong năm 2020, cùng với Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp, các hoạt động đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp tiếp tục được các cấp bộ Đoàn quan tâm triển khai, như: cung cấp thông tin thị trường, kiến thức, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tìm kiếm cơ hội trong bối cảnh dịch bệnh, tư vấn hỗ trợ DN nhỏ của thanh niên tiếp cận với các nguồn hỗ trợ DN để vượt qua thời kỳ dịch bệnh; kết nối sản phẩm đổi mới sáng tạo của startup để góp phần giải quyết các vấn đề của đất nước; tập huấn, phổ biến kiến thức về khởi nghiệp.

Trong năm 2021, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong hội viên, thanh niên đã và đang có nhu cầu khởi nghiệp, tiêu biểu như Hành trình Thanh niên Khởi nghiệp ĐMST 2021 với chủ đề “CĐS – Động lực từ thanh niên khởi nghiệp”. Hành trình được coi là động lực hỗ trợ quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy thanh niên khởi nghiệp trong bối cảnh CĐS tại Việt Nam. Hành trình hướng đến việc huy động, kết nối các nguồn lực để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, hỗ trợ các starup tìm kiếm và tiếp cận các nguồn vốn, các nhà đầu tư cho các dự án khởi nghiệp ĐMST gắn với CĐS.

Tạp chí TT&TT đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Phan Huy Khôi, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp Việt Nam trực thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam để làm rõ hơn về các hoạt động khởi nghiệp ĐMST, cùng với việc thực hiện chiến lược quốc gia về CĐS của thanh niên Việt Nam.

Ông Nguyễn Phan Huy Khôi, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp Việt Nam

PV: Thưa ông, năm 2021, với chủ đề công tác năm “Thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”, đối với lĩnh vực CNTT, câu chuyện khởi nghiệp của thanh niên Việt Nam hiện nay như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Phan Huy Khôi: Hiện xã hội Việt Nam đang trong giai đoạn thuận lợi để phát triển trong lĩnh vực CNTT, truyền thông số. Hơn 70% dân số Việt Nam sử dụng Internet, thời lượng trung bình mỗi ngày người Việt dành cho Internet là 6 giờ 47 phút, bao gồm tất cả các nền tảng, ứng dụng.

Trong bối cảnh như vậy, lĩnh vực CNTT đương nhiên trở thành một trong những lựa chọn khởi nghiệp “nóng bỏng” và hấp dẫn. Tuy nhiên, theo tôi, cần hiểu cho chính xác, không nên tách CNTT thành thứ gì đó xa rời, độc lập với các lĩnh vực khác của đời sống. Thực chất, CNTT cần xuất hiện với hàm lượng ngày càng cao trong mọi lĩnh vực khởi nghiệp nói riêng, đời sống xã hội nói chung. Cần xác định như vậy mới có thể hiểu đúng và trúng, về vai trò, mục đích cũng như tiềm năng to lớn của CNTT. Đó cũng chính là câu chuyện CĐS hiện nay.

Quan điểm về khởi nghiệp của Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp Việt Nam cũng như vậy. Hoạt động khởi nghiệp của thanh niên cần gắn liền với tư duy về phát triển, ứng dụng công nghệ, CĐS.

PV: Theo ông, những thành tích khởi nghiệp nào trong lĩnh vực công nghệ nào đáng chú ý, cần được lan rộng hơn nữa?

Ông Nguyễn Phan Huy Khôi: Phong trào khuyến khích khởi nghiệp, ĐMST đã bước đầu có những hiệu ứng rất tích cực nếu xét trên bình diện tác động xã hội. Điều này cũng đã phản ánh tính đúng đắn, tầm nhìn xa và quyết tâm chỉ đạo, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Chúng ta đã có được bầu không khí sôi nổi về ĐMST, CĐS, ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) trong gần như mọi lĩnh vực ngành nghề. Có thể nói bầu không khí này là di sản quan trọng và đang được tiếp nối thông qua hoạt động hướng nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp. Đối với công tác thanh niên, chúng tôi xác định việc khuyến khích CĐS ngay từ giai đoạn khởi nghiệp vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa là mũi nhọn trong hoạt động phong trào gắn liền với hiệu quả thực tiễn xã hội.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, “người trẻ Việt chỉ giỏi khi làm việc một mình”, điều này đã dẫn đến việc một trong những yếu điểm khi khởi nghiệp của thanh niên là kỹ năng làm việc nhóm kém, không có mạng lưới khởi nghiệp cùng hỗ trợ nhau… Ông đánh giá như thế nào về điều này? Theo ông, thanh niên Việt Nam trong quá trình khởi nghiệp, còn gặp những khó khăn, hạn chế nào khác nữa hay không?

Ông Nguyễn Phan Huy Khôi: Đúng như vậy, nếu nhìn nhận một cách thẳng thắn thì một tỉ lệ không nhỏ thanh niên Việt Nam đang thiếu rất nhiều kỹ năng và điều kiện cần thiết để khởi nghiệp thành công.

Theo tôi, đó không chỉ là các kĩ năng nghề nghiệp, mà nghiêm trọng hơn là thiếu cả nền tảng tri thức và phương pháp tư duy, thiếu năng lực quản trị, thiếu kinh nghiệm thực tế và thiếu vốn.

PV: Trong thời gian qua, với sự tham gia mạnh mẽ của đoàn thanh niên với tổ công nghệ cộng đồng, tổ COVID-19… Ông đánh giá như thế nào về vai trò của thanh niên trong khởi nghiệp nói riêng và trong việc thực hiện chiến lược quốc gia về CĐS?

Ông Nguyễn Phan Huy Khôi: Do thanh niên có sức trẻ, có nhiệt huyết, dễ dàng tiếp thu cái mới, cập nhật tri thức mới, nên vẫn và sẽ luôn là lực lượng tiên phong, đột phá, nhất là trong phong trào khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng công nghệ, CĐS.

Cùng với sự hậu thuẫn, định hướng, tạo điều kiện hơn nữa của cả hệ thống chính trị, tôi tin rằng lực lượng thanh niên sẽ có được những đóng góp quan trọng trong việc thực hiện chiến lược quốc gia về CĐS. Như đã nói, chúng tôi đang định hướng hoạt động khởi nghiệp và CĐS không tách rời nhau.

PV: Từ đó, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã có những kế hoạch nào để hỗ trợ, thúc đẩy tốt nhất cho thanh niên Việt Nam khi tiến hành khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ trong bối cảnh CMCN 4.0?

Ông Nguyễn Phan Huy Khôi: Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp Việt Nam có rất nhiều việc phải làm và muốn làm. Chúng tôi đang cố gắng tiếp cận từ nhiều hướng, thông qua nhiều hoạt động, có giải pháp tình thế, cũng có chiến lược lâu dài. Dưới sự chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Đoàn Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, chúng tôi đang theo đuổi mục tiêu nâng cao “năng lực số” cho hơn 20 triệu thanh niên Việt Nam thông qua các hoạt động đào tạo hướng nghiệp, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp. Nâng cao “năng lực số” cũng chính là thúc đẩy CĐS trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, ngành nghề kinh tế.

Tôi cho rằng điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với khu vực nông thôn. Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, định hướng của Bộ TT&TT để triển khai hiệu quả chương trình này.

PV: Ông có thể chia sẻ những lời khuyên, bài học kinh nghiệm nào để đoàn viên thanh niên cần lưu ý khi tiến hành khởi nghiệp hay không?

Ông Nguyễn Phan Huy Khôi: Nếu nói có lời khuyên nào thì rất khó. Nhưng một cách đơn giản nhất, các bạn đoàn viên thanh niên cần đẩy mạnh hơn nữa tính chủ động, sáng tạo, tích lũy hành trang tri thức, trải nghiệm. Nghĩ lớn, làm chắc, bắt đầu từ những việc nhỏ và thực tế.

PV: Đối với các chiến lược phát triển ngành TT&TT như CĐS, Make in Viet Nam, phát triển doanh nghiệp công nghệ số…., theo ông, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh có thể tham gia với vai trò gì để phát huy tối đa sức mạnh của thanh niên?

Ông Nguyễn Phan Huy Khôi: Từ góc độ của Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp Việt Nam, chúng tôi đang hướng đến tận dụng hệ thống mạng lưới các cấp bộ Đoàn, Hội thanh niên để tiếp cận theo chiều rộng, thông qua các hoạt động đào tạo hướng nghiệp, giới thiệu cơ hội việc làm, kết nối thị trường… để thúc đẩy ĐMST. Chúng tôi cũng đang đề xuất phát triển mô hình công viên khởi nghiệp tại các địa phương, đặc biệt ưu tiên các mô hình phát triển và ứng dụng KHCN. Có lẽ đây cũng chính là một trong những thế mạnh của Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.

PV: Theo ông, hiện tại các quy định của cơ quan quản lý đã tạo điều kiện tốt nhất cho thanh niên tiến hành khởi nghiệp, lập nghiệp thông qua công nghệ số hay chưa? Ông có kiến nghị gì để khắc phục những rào cản này?

Ông Nguyễn Phan Huy Khôi: Tốc độ phát triển của KHCN hiện nay đang diễn ra rất nhanh. Những từ khóa quan trọng như Trí thông minh nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big-data), Blockchain, Tiền mã hóa (Crypto Currency), Thực tế ảo (VR)… đang có sức hấp dẫn rất lớn và đã trở thành xu hướng công nghệ trên toàn thế giới. Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng và cơ hội để tham gia nhóm dẫn đầu trong các lĩnh vực này.

Tuy nhiên, có nhiều mô hình kinh doanh, công nghệ mới trong thực tế vẫn chưa kịp có hành lang pháp lý và quy định rõ ràng. Đây chính là một rào cản lớn cho hoạt động khởi nghiệp. Gần đây chúng ta đã chứng kiến hiện tượng nhiều bạn trẻ đăng kí thành lập công ty tại nước ngoài để tìm kiếm một đảm bảo rõ ràng hơn về mặt chính sách dù vẫn đang sinh sống và làm việc trong nước, tôi cho rằng đây là một thiệt thòi cho cả hai phía, xã hội và ngay cả cá nhân các bạn trẻ khởi nghiệp. Tôi hy vọng các cơ quan quản lí nhà nước sẽ sớmCcó các quy định, hướng dẫn rõ ràng để thúc đẩy và hỗ trợ DN khởi nghiệp trong các lĩnh vực mới mẻ này./.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 3 tháng 3/2022)

Leave a comment

Gọi ngay cho chúng tôi!